Cuối năm 1979, tôi rời khỏi đời quân ngũ, gia tài vỏn vẹn là một ba lô, một vài cuốn sách tiếng Anh và bộ quần áo lính trên người. Tạm biệt Hà Nội, tôi vào ĐHBK TP HCM để học tiếp với tâm trạng đầy ngẫu nhiên như hai câu thơ của Thái Thăng Long:
"Anh chỉ có một phố phường thôi để nhớ.
Một mùa đông cái ngõ nhà nho nhỏ..."
Đọc bài thơ "Riêng Anh" của Thái Thăng Long, tôi cảm nhận sâu sắc sự đồng điệu giữa hai tâm hồn - nhà thơ Thái Thăng Long và nhạc sĩ Phú Quang. Hai người con Hà Nội xa quê đã gặp nhau trong sự chia sẻ nỗi niềm nhớ nhung và tình yêu với mảnh đất chôn giấu nhiều kỷ niệm nhất của đời mình. Đây thực sự là một cặp đôi hiếm có giữa thơ và nhạc.
Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng có sự gắn kết sâu sắc. Thơ là tinh chất của cuộc sống, biểu đạt bằng cảm xúc qua ngôn ngữ, trong khi nhạc dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm và tư tưởng. Khi những giai điệu được cất lên từ lời thơ, một mối tương giao kỳ diệu giữa hồn người, hồn nhạc và hồn tạo vật được tạo ra. "Riêng Anh" của nhà thơ Thái Thăng Long, khi được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc với tiêu đề "Gửi Một Tình Yêu", đã minh chứng cho sự lan tỏa giao thoa tuyệt vời giữa thơ và nhạc.
Tám câu thơ đầu như một khúc nhạc dạo nhẹ nhàng, êm ái, sâu lắng, đầy kỷ niệm và day dứt khi phải xa cách Hà Nội:
"Anh chỉ có một dòng sông để nhớ
Anh chỉ có một phố phường thôi để nhớ
Một mùa đông cái ngõ nhà nho nhỏ
Một mái chùa và một tình yêu
Anh chỉ có một bầu trời cánh chim chiều phiêu lãng
Một góc núi Nùng lãng đãng cỏ mây
Một gốc sấu già mưa bụi bay bay
Một hoàng hôn khép lại"
Cụm từ "Anh chỉ có" lặp lại nhưng sao lại vô tận đến thế! "Nhớ" ở đây không chỉ gợi lên khoảng cách về thời gian, không gian mà còn là khoảng cách của lòng người. Một cảm giác cô đơn rợn ngợp khi phải xa Hà Nội. Khoảng cách không gian càng làm da diết hơn tình yêu của người con xa quê dành cho Hà Nội và mối tình đầu.
Trong thơ ca, không chỉ Thái Thăng Long mới viết về Hà Nội, nhưng thơ của anh lại quyến rũ và đằm thắm đến thế. Tác giả giãi bày nỗi niềm khát khao hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa phải chia xa:
"Anh chỉ có em
Chẳng thể rời xa
Gương mặt ẩn sau tòa nhà cổ
Đôi mắt ẩn sau tiếng mưa đầu phố
Nụ cười ẩn sau hoang vắng những bông hoa"
Những kỷ niệm chồng lên kỷ niệm nhưng lại rất riêng tư. Chỉ có riêng anh mới chẳng thể rời xa em. Chỉ có riêng anh được nhìn gương mặt dấu yêu của em sau tòa nhà cổ, đôi mắt đầy lệ ẩn sau tiếng mưa đầu phố và nụ cười ẩn sau hoang vắng những bông hoa khi em tiễn anh đi vào cuộc chiến. Những kỷ niệm ấy mãi mãi thuộc về riêng anh.
Hà Nội cũng hiện lên phảng phất nhẹ nhàng qua những kỷ niệm:
"Anh chỉ có một cánh đồng ngoại ô để nhớ
Gió sông Hồng tươi sắc hoa vào chợ"
Và một Hà Nội với bao dấu ấn của lịch sử và những vĩ nhân:
"Những mảnh đất huyền thoại thiêng liêng
Những mùa xuân thiêng liêng
Nơi Nguyễn Du hành hương về kẻ chợ
Nơi Nguyễn Trãi khóc cha bên bến nhỏ
Nơi tâm linh ta sáng chói một tình yêu"
Qua thơ Thái Thăng Long, chúng ta ngược về quá khứ - một quá khứ thiêng liêng hào hùng và nhiều xa xót. Để rồi chúng ta thêm yêu Hà Nội - một Hà Nội không chỉ riêng của Thái Thăng Long mà trong tất cả trái tim của người con đất Việt.
Tôi cũng thường tự hỏi, những người con xa xứ, điều gì làm họ tha thiết nhớ quê hương nhất. Tôi đã nhận được câu trả lời của Thái Thăng Long:
"Anh chỉ có một dòng sông thôi để nhớ
Anh chỉ có một phố phường thôi để nhớ
Chỉ có em ngôi nhà nhỏ tình yêu"
Nhạc phẩm “Gửi Một Tình Yêu” ra đời khi nhạc sĩ Phú Quang đọc được bài thơ “Riêng Anh” của Thái Thăng Long. Một lần nữa, cặp đôi bất hủ này lại đến với nhau. Ngôn ngữ đầy nhạc điệu, sâu lắng đã xoáy vào lòng nhạc sĩ Phú Quang - người con của Hà Nội đang sống ở Sài Gòn, nhưng trái tim luôn thổn thức cùng Hà Nội.
Nhà thơ Thái Thăng Long kể lại: "Một buổi chiều, tôi và Phú Quang ngồi uống cà phê ở Sài Gòn, trong tâm trạng đồng điệu xa quê, nhớ về Hà Nội. Trong đầu tôi bật ra ý thơ và rất nhanh, tôi lấy giấy bút chép lại, đặt tên cho nó là 'Riêng Anh'. Khi hoàn tất, tôi đưa ngay 'Riêng Anh' cho Phú Quang đọc. Phú Quang ngồi viết một mạch phần nhạc lấy tên 'Gửi Một Tình Yêu'. Nhạc sĩ đã thả hồn theo ý thơ, dựa trên hồn thơ và cấu tứ thơ, hình thành nên giai điệu trầm lắng thiết tha nhưng rất sang trọng. Phần ca từ được Phú Quang và Thái Thăng Long chỉnh sửa, trau chuốt lại."
Và thế là ca khúc “Gửi Một Tình Yêu” ra đời. Tình yêu da diết, sâu sắc, mãnh liệt về Hà Nội qua nốt nhạc giúp hồn thơ “Riêng Anh” bay bổng rồi lan tỏa để thấm sâu vào lòng người.
Khi nghe ca sĩ Ngọc Anh trình diễn “Gửi Một Tình Yêu”, tôi tìm đến sách “Chiều Phủ Hồ Tây” để lưu giữ thi phẩm “Riêng Anh” của Thái Thăng Long. Thật tiếc, tôi không tìm thấy. Điều này làm tôi buồn và tiếc cho nền văn hóa của chúng ta. Nếu chúng ta trân trọng và lưu trữ các tác phẩm văn hóa được tác giả ký tên tặng, con cháu chúng ta sẽ kế thừa di sản văn hóa của dân tộc.
Giờ, mời các bạn thưởng thức “Gửi Một Tình Yêu” qua giọng ca Ngọc Anh
Bài cảm nhận của nhà phê bình Nguyễn Xuân Dương.