May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương: Ký Ức Pleiku Và Vũ Hữu Định

May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương: Ký Ức Pleiku Và Vũ Hữu Định

Thứ tư, 17/07/2024

Thi sĩ Vũ Hữu Định sáng tác bài thơ "Còn Chút Gì Để Nhớ" vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ này sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy, được mệnh danh là “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam, biến thành ca khúc bất hủ mà không bỏ thêm hay thay đổi một từ nào. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận và trở thành một biểu tượng của Pleiku:

"phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên."


Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè rằng “em” trong bài thơ này chỉ là một nhân vật tưởng tượng mà anh đã tạo ra trong giây phút linh hiển nhất của mình.

Khi Phạm Duy “chắp cánh” cho bài thơ bằng một bài hát bất tử, cả nhà thơ và nhạc sĩ đã đội vòng nguyệt quế cho Pleiku, một miền cao nguyên trung phần quanh năm sương phủ núi đồi, một vùng thủ phủ của quân khu 2 với nhiều lính đóng quân hơn thường dân. Nếu không có bài thơ này, ít ai biết đến một thành phố xa xôi “quanh năm mùa đông” và những người yêu thơ không thể không thuộc nằm lòng câu: "May mà có em đời còn dễ thương."

Bài thơ gắn liền với tên tuổi của Vũ Hữu Định. Khi nhắc đến tác giả, người ta nghĩ ngay đến "Còn Chút Gì Để Nhớ" và ngược lại. Thi sĩ Kim Tuấn, một người lính đóng quân và gắn bó nhiều năm với Pleiku, đã thốt lên khi nói về Vũ Hữu Định:

“Mình từng ăn dầm ở dề ở đây mà chẳng làm được tích sự gì, vậy mà bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm bài thơ nổi đình nổi đám cho Pleiku!”

Điều này chứng minh rằng để một địa danh được nhiều người biết đến, cần nhờ vào âm nhạc và thi ca. Những cung bậc tài hoa của nghệ thuật đã gây cảm xúc và lưu lại “chút gì để nhớ,” thôi thúc độc giả một ngày nào đó sẽ muốn trở thành du khách để ghé thăm nơi ấy.

Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970 và lọt vào mắt xanh của Phạm Duy. Nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định, người lính đào ngũ bị bắt và đày lên cao nguyên để phục dịch chiến trường. Trong một buổi chiều họp mặt với nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định, Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo, viết nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng sau khi phát hành.

Cuộc Đời và Sự Nghiệp Của Vũ Hữu Định
Vũ Hữu Định, tên thật là Lê Quang Trung (1942-1981), sinh tại Thừa Thiên. Anh từng sống ở nhiều nơi như Cao nguyên và Đà Nẵng, trải qua một cuộc sống nghèo túng và đầy khó khăn trong quãng đời ngắn ngủi của mình. Vũ Hữu Định có tật mê rượu và thường giang hồ lang bạt, đi đây đi đó.

Anh đã có nhiều bài thơ được đăng rải rác trên các báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Cuối cùng, tên Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bài hát "Còn Chút Gì Để Nhớ" ra đời.

“Giang hồ đâu cần ai phong ấn”

Chỉ trong những ngày tháng giang hồ của mình, Vũ Hữu Định đã để lại cho đời một bài thơ làm nhiều người biết và để ý đến phố núi Pleiku. Tác phẩm của anh ghi lại tình tiết của đời tư của nghệ sĩ, không phải xuất xứ từ salon, từ chăn êm nệm ấm, mà từ nỗi đày ải nhân gian mà tác giả đã trải qua.

Một địa danh vốn ở ngoài đời đã đẹp, khi đi vào thi ca và âm nhạc sẽ trở thành nên thơ hơn, làm du khách muốn đến thăm hơn. Như bài thơ "Đây Thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử và bài nhạc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" của Hoàng Nguyên.

Tôi đã có một đôi lần ghé lại Pleiku, từ con dốc cao đổ vào trung tâm, đã thấy “quanh năm mùa đông” trên từng màn sương ướt màu thông của xứ sở cao nguyên. Không thể không nhớ đến một gã giang hồ làm thơ Vũ Hữu Định tài hoa bạc mệnh, đã từ giã cuộc chơi trần thế vào năm 39 tuổi.

Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy đã được Vũ Hữu Định khoác lên chiếc áo thi ca, loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ như xưa để xem có đúng là “đi dăm phút đã về chốn cũ” không?

“Xin cảm ơn một mái tóc mềm” nào đó của Vũ Hữu Định đã cho chúng ta những hình dung về một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm, dẫu không có thật ở ngoài đời, cũng đủ làm cho "May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương."

Di Sản và Tưởng Nhớ
Sinh thời, Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải đến năm 1996, thi phẩm "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" của anh, gồm 45 bài thơ, mới được ấn hành, nhờ sự đóng góp của bằng hữu, đặc biệt là Trần Từ Duy.

Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, quy tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ. Nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã có thể tu sửa mộ phần của chồng tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà chính là nhân vật trong bài thơ "Cảm Ân Người Vợ Khổ" của Vũ Hữu Định:

Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.
Vũ Hữu Định, tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên vào năm 1942, mất vào ngày 16 tháng 1 năm Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng.

Qua cuộc đời và tác phẩm của Vũ Hữu Định, chúng ta thấy được rằng nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo từ cảm hứng mà còn là sự kết tinh từ những trải nghiệm đời thực. "Còn Chút Gì Để Nhớ" không chỉ là một bài thơ, mà còn là một phần ký ức đẹp đẽ về Pleiku, về những con người và những khoảnh khắc đã tạo nên nó. Pleiku, qua thi ca và âm nhạc, trở thành một điểm đến không chỉ về địa lý mà còn trong lòng người, với "may mà có em đời còn dễ thương."

Nguồn: Trương Đình Tuấn

Ý kiến (0)

Vui lòng đăng nhập để chia sẻ ý kiến

Tin liên quan

Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc "Mong Chờ" - Chuyện Tình Trên Sông Hương của Nhạc Sĩ Xuân Tiên

Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc "Mong Chờ" - Chuyện Tình Trên Sông Hương của Nhạc Sĩ Xuân Tiên

Nhạc sĩ Xuân Tiên, một tên tuổi lớn của làng nhạc Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu sắc qua nhiều tác phẩm âm nhạc, trong đó có ca khúc "Mong Chờ". Bài hát không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ bởi giai điệu và lời ca mà còn bởi câu chuyện tình lãng mạn và xúc động đằng sau quá trình sáng tác. Cùng tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của "Mong Chờ" và chuyện tình trên sông Hương, nơi nguồn cảm hứng bất tận của nhạc sĩ đã thăng hoa.

10 Ca Khúc Phổ Thơ Hay Nhất Của Nhạc Sĩ Phạm Duy

10 Ca Khúc Phổ Thơ Hay Nhất Của Nhạc Sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ là một biểu tượng của âm nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm bất hủ, ông còn nổi tiếng với những ca khúc được phổ từ thơ của nhiều nhà thơ danh tiếng. Trong suốt cuộc đời sáng tác, Phạm Duy đã kết hợp thơ và nhạc một cách tinh tế, tạo nên những tác phẩm đậm chất nghệ thuật, chạm đến trái tim người nghe. Dưới đây là 10 ca khúc phổ thơ hay nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, giới thiệu về nhà thơ, nội dung và hoàn cảnh sáng tác từng bài.

AI Mới Thật Sự Là Tác Giả Của Ca Khúc “Nỗi Lòng Người Đi”

AI Mới Thật Sự Là Tác Giả Của Ca Khúc “Nỗi Lòng Người Đi”

Ca khúc "Nỗi Lòng Người Đi" đã gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Anh Bằng suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một nhạc công tự xưng là tác giả thật sự của bài hát này. Dưới đây là những ý kiến và quan điểm từ các bên liên quan.

Hành Trình Gian Nan Của Cẩm Vân Khi Mang “Xin Cho Tôi” Đến Với Khán Giả

Hành Trình Gian Nan Của Cẩm Vân Khi Mang “Xin Cho Tôi” Đến Với Khán Giả

Tối thứ Bảy ngày 17.08.2024, chương trình âm nhạc “Mỗi Bài Hát Là Một Ký Ức” đã diễn ra trong không gian ấm cúng, đầy cảm xúc. Đây là sự kiện định kỳ thuộc chuỗi chương trình "Tình Ca Ngày Ấy Bây Giờ" do nhạc sĩ, bác sĩ Minh Đức tổ chức.

Nhân Vật “Em” Trong Ca Khúc “Chuyện Tình Buồn”

Nhân Vật “Em” Trong Ca Khúc “Chuyện Tình Buồn”

Trước tiên xin được nói ngay: người thiếu nữ trong tấm hình đăng kèm bài này chính là chị Nguyễn Thị Túy thời trẻ, nguyên mẫu của nhân vật “em” trong ca khúc “Chuyện tình buồn” (nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình). Hình này do chị Túy gửi cho mình!

“Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, bài hát đậm chất dân ca Nam Bộ

“Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, bài hát đậm chất dân ca Nam Bộ

Thanh Sơn được mệnh danh là “nhạc sĩ của dòng nhạc dân ca quê hương Nam Bộ” và bài hát “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng của vị nhạc sĩ miền Tây này.
banner1

Sáng tác mới

Nỗi Nhớ Quê Nhà

Nỗi Nhớ Quê Nhà

Thanh An - Nguyễn Hoàng Văn

banner2

banner

Khoảnh khắc tình ca